Từ các con số tính ra từ họ tên, các nhà Tính danh học sẽ xác định được âm dương, ngũ hành trong tên. Một cái tên được coi là lý tưởng khi âm dương hòa hợp, ngũ hành tương sinh đem lại may mắn, thuận lợi.
Tính danh học là một môn khoa học truyền thống của Trung Quốc, áp dụng các nguyên lý âm dương, ngũ hành, can chi, bát quái để đặt tên, sửa tên nhằm góp phần tích cực trong việc cải thiện số mệnh con người, giảm trừ những tác động tiêu cực có thể xảy ra.
Người Trung Quốc cổ đã phát minh ra chữ viết từ 4000 năm trước, trong đó số lượng chữ dùng để đặt tên (người, đất, vật, sông, núi…) chiếm hơn một nửa. Nguyên lý âm dương, ngũ hành, kinh dịch cũng được phát minh cùng thời với sự ra đời của chữ viết. Bên cạnh đó, phần lớn các chữ giáp cốt (loại chữ đầu tiên được khắc trên mai rùa, xương thú) mà các nhà khảo cổ tìm thấy có nội dung chủ yếu ghi chép về bói toán. Nhiều thư tịch cổ đã chỉ ra rằng lịch sử hình thành tên họ và khoa học nghiên cứu về họ tên cũng rất lâu đời.
Do hệ thống chữ Hán được hình thành trên cơ sở các nét khắc vạch cho nên số nét bút trong một chữ đóng vai trò trung tâm trong việc tính toán cát hung và mối quan hệ tương quan giữa họ tên và vận mệnh. Người xưa dựa trên cơ sở thống kê và kinh nghiệm đã tìm ra được 81 con số linh thiêng mang những ý nghĩa nhất định, trong đó bao gồm những con số biểu thị sự hung, cát và bán cát bán hung (*). Các nhà nghiên cứu đã vận dụng những con số này, phối hợp với nguyên lý âm dương, ngũ hành để tạo dựng nên bộ môn Tính danh học nhằm bù trừ ưu khuyết trong vận mệnh của mỗi con người.
Từ các yếu tố đã định như họ cha, bát tự (giờ, ngày, tháng, năm sinh), con giáp… các nhà Tính danh học thông qua số nét bút của họ và tên, sẽ xác định được ngũ cách bao gồm Thiên cách, Nhân cách, Địa cách, Ngoại cách và Tổng cách. Trong đó:
- Thiên cách đại diện cho cha mẹ, bề trên, sự nghiệp, danh dự. Nếu không tính sự phối hợp với các cách khác thì còn ám chỉ khí chất của người đó. Ngoài ra, Thiên cách còn đại diện cho vận thời niên thiếu.
- Nhân cách đại diện cho nhận thức, quan niệm nhân sinh. Giống như mệnh chủ trong mệnh lý, Nhân cách còn là hạt nhân biểu thị cát hung trong tên họ. Nếu đứng đơn độc, Nhân cách còn ám chỉ tính cách của người đó. Trong Tính Danh học, Nhân cách đóng vai trò là chủ vận.
- Địa cách đại diện cho bề dưới, vợ con, nền móng của người mang tên đó. Về mặt thời gian trong cuộc đời, Địa cách biểu thị ý nghĩa cát hung của tiền vận.
- Ngoại cách chỉ thế giới bên ngoài, bạn bè, anh chị em, những người bằng vai phải lứa, quan hệ xã giao. Vì mức độ quan trọng của quan hệ giao tiếp ngoài xã hội nên Ngoại cách được coi là phó vận.
- Tổng cách thu nạp ý nghĩa của Thiên cách, Nhân cách, Địa cách nên đại diện tổng hợp chung cả cuộc đời của người đó đồng thời qua đó cũng có thể hiểu được hậu vận tốt xấu.
Từ các con số tính ra từ họ tên, các nhà Tính danh học sẽ xác định được âm dương, ngũ hành trong tên. Một cái tên được coi là lý tưởng khi âm dương hòa hợp, ngũ hành tương sinh đem lại may mắn, thuận lợi. Ngũ hành tương sinh không chỉ được thể hiện trong bản thân họ tên mà còn cần tương sinh hoặc ít nhất là không khắc với bản mệnh, ngũ hành con giáp của người đó cũng như bản mệnh, ngũ hành con giáp của cha mẹ. Ví dụ, nếu người đó mệnh thủy thì ngũ hành trong tên không được phép có hành hỏa hoặc thổ mà phải có hành kim hoặc mộc. Ý nghĩa và các bộ chữ trong tên cũng không được khắc với bản tính của con giáp mà người đó cầm tinh mà phải phù hợp với đặc tính sinh hoạt, ăn uống… của con giáp đó. Ví dụ: người cầm tinh con hổ thì tên đặt không được phép có chữ hoặc bộ chữ Điền (ruộng) vì hổ vốn sống trên núi rừng mà tên lại có chữ Điền thì chẳng khác nào hổ lạc đồng bằng, sa cơ thất thế, không có cái ăn và nơi trú ẩn…
Từ nguyên lý căn bản nói trên, các nhà Tính danh học có thể đưa ra nhiều phương án để sắp xếp họ tên sao cho lý tưởng nhất về âm dương ngũ hành, đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ cũng như phù hợp với giới tính của con cái. Tuy nhiên, điều đáng nói là mức độ lý tưởng của cái tên còn phụ thuộc rất nhiều vào trình độ hiểu biết sâu rộng của các nhà Tính danh học về chữ Hán, khả năng kết hợp các yếu tố đã định.
Chúng ta biết rằng, sự hình thành và phát triển của chữ Hán ở mỗi thời kỳ đều có sự thay đổi nhất định, bao gồm cả âm chữ, nghĩa chữ và hình chữ. Đối với chính người Trung Quốc, để nắm bắt được ý nghĩa và hình dạng gốc của mỗi chữ cũng không hề đơn giản, nhất là hiện nay khi người Trung Quốc đã giản hóa các nét chữ đi khá nhiều vì mục tiêu phổ cập giáo dục và chữ viết. Chính vì vậy mà một số nhà nghiên cứu tính danh học ở Việt Nam do trình độ Hán ngữ ở mức độ nhất định nên đã bỏ qua yếu tố quan trọng này, từ đó dẫn đến việc tính toán không chính xác, thậm chí đảo ngược kết quả. Bởi việc biểu thị giá trị âm dương dựa trên con số chỉ có chẵn hoặc lẻ, cho nên chỉ cần đếm sai một nét thì có thể biến âm thành dương và ngược lại. Xin đưa ra một số ví dụ cụ thể như sau:
Bộ thủ | Số nét theo Từ điển | Số nét theo tính danh học | Ví dụ | Số nét theo Từ điển | Số nét theo Tính danh học | |
Chữ giản thể | Chữ phồn thể | |||||
Tài gẩy扌 | 3 | 4 | Dương | 扬 6 (–) | 揚12 (–) | 揚13 (+) |
Tâm đứng忄 | 3 | 4 | Duyệt | 悦10 (–) | 悅11 (+) | 悅12 (–) |
Chấm thủy氵 | 3 | 4 | Đào | 涛10 (–) | 濤17 (+) | 濤18 (–) |
Thảo đầu艹 | 3 | 6 | Phương | 芳 7 (+) | 芳8 (–) | 芳10 (–) |
Nhục月 | 4 | 6 | Đảm | 胆 9 (+) | 膽17 (+) | 膽19 (+) |
Nhĩ trái 阝 | 3 | 8 | Trần | 陈 8 (–) | 陳11 (+) | 陳16 (–) |
Nhĩ phải阝 | 3 | 7 | Đặng | 邓 5 (+) | 鄧15 (+) | 鄧19 (+) |
Như đã nói ở trên, tính danh học có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, kết hợp rất nhiều yếu tố như âm dương, ngũ hành, kinh dịch, bát tự, con giáp, chữ viết, âm đọc…để tạo nên một hệ thống nghiên cứu khá đồ sộ và chặt chẽ. Trong quá trình phát triển, Tính danh học cũng được chia ra thành nhiều trường phái nhằm tôn vinh và phát huy tối đa ưu điểm của trường phái mình. Có trường phái chỉ kết hợp vài yếu tố, nhưng cũng có trường phái cố gắng phối hợp toàn bộ các yếu tố nhằm tìm đến sự hoàn hảo. Chính vì lẽ đó mà trường phái nào cũng có ưu khuyết của mình, kể cả dù có kết hợp được tất cả các yếu tố thì cũng sẽ bị hạn chế về mặt số lượng họ tên đẹp có thể tìm thấy. Ngược lại, cũng có một số trường phái chỉ áp dụng một cách tối thiểu các yếu tố nhằm hướng tới việc tìm ra càng nhiều càng tốt các chữ đẹp tiềm năng dùng để đặt tên.
Ví dụ, có trường phái chỉ đơn giản áp dụng con giáp để đặt tên. Họ liệt kê ra hàng trăm cái tên đẹp tương ứng với 12 con giáp, chia thành hai nhóm nam nữ. Nguyên lý của họ là tìm ra đặc điểm của 12 con giáp thích gì và kỵ gì, phối hợp với các chữ Hán tương ứng để đặt tên. Với em bé sinh năm Nhâm Thìn, các tên cần có bộ Thủy chỉ nơi sinh sống, vùng vẫy của Rồng. Bé gái có thể đặt tên là: Hải Ninh, Hải Bảo, Hải Dung, Hà Linh, Thanh Hoa, Thanh Thu, Thanh Tâm, Thanh Hàm, Thanh Uyển, Thanh Ninh, Thanh Diệu… Bé trai có thể đặt tên là: Hải Vinh, Hải Dương, Hồng Đức, Hồng Phong, Hồng Phi, Hồng Phúc, Hồng Quang, Hồng Huy, Hồng Văn, Hồng Tín, Hồng Đạt…
Đơn giản hơn, nếu chỉ quan tâm đến ý nghĩa hay của tên thì chỉ cần search trên mạng là có ngay hàng ngàn kết quả. Tuy nhiên, các trường phái này có thể nói là khá sơ sài, chỉ nên dùng để tham khảo bởi nó lược bỏ qua khá nhiều yếu tố quan trọng khác như họ cha, âm dương, ngũ hành…
Bên cạnh đó, cũng có trường phái áp dụng khá đầy đủ các yếu tố âm dương, ngũ hành, con giáp của cả bố mẹ và em bé cần đặt tên, từ đó đưa ra một danh sách các tên đẹp, đáp ứng đủ các yếu tố trên. Việc này khá thuận tiện cho các bậc cha mẹ tham khảo và lựa chọn. Tuy nhiên, có một yếu tố rất quan trọng đã bị bỏ qua, đó là giờ sinh của em bé đã không được tính đến. Giờ sinh là thời khắc quan trọng quyết định, đánh dấu sự ra đời của một con người, có ảnh hưởng lớn đến vận mệnh sau này. Giờ sinh có liên quan đến sự quân bình âm dương trong vận mệnh, ngũ hành trong can chi, lại không thể tính toán trước được. Do đó, việc lựa chọn tên em bé trước khi sinh có lẽ là một quyết định vội vàng. Bởi vì từ 4 yếu tố giờ, ngày, tháng, năm sinh có thể biết được âm dương, ngũ hành trong vận mệnh có cân bằng hay không, từ đó vận dụng Tính danh học để bù đắp âm dương, thiếu hụt ngũ hành.
Chính vì ý nghĩa của việc bù đắp âm dương, cầu lành tránh dữ có thể được thực hiện thông qua việc đặt tên, cho nên các bậc cha mẹ cần đặc biệt lưu ý khi tham khảo và cẩn trọng trước khi quyết định đặt tên cho con.
Nguyễn Sơn Phong (dattenhay.vn)
Đăng nhận xét