I/ Ý NGHĨA VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA VẤN ĐỀ
1.1. Thuật hoặc thuyết phong thủy có mục đích và tôn chỉ “vị nhân sinh": Bố trí chỗ ở tốt cho người sống; đặt “mồ mả" ở nơi đất tốt cho người chết, nhằm mang lại “tài lợi" cho cuộc sống hiện tại và phúc lộc cho các thế hệ con cháu mai sau.
1.2. “Phong thuỷ" đã có quá trình lịch sử từ lâu (từ hơn 4 thế kỷ trước công nguyên), nó là một hình thức tôn giáo, văn hoá cổ xưa của các nước phương Đông, trong đó có Việt Nam.
1.3. Áp dụng phong thuỷ đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho con người trong các lĩnh vực đời sống dân cư, dặc biệt là trong kiến trúc, quy hoạch xây dựng nơi cư trú cho người sống và chôn cất cho người chết.
1.4. Phong thuỷ được hình thành và phát triển trở thành Thuyết, và được nhiều nhà nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện cả về lý luận, lẫn thực tiễn.
1.4.1. Ở Việt Nam: Thời Lê có ông Nguyễn Hữu Huyên, người làng Tả Ao, Hà Tĩnh, nổi tiếng về thuật phong thuỷ, thường gọi là thầy Tả Ao; Viện Hán nôm còn giữ được 70 cuốn sách viết về phong thuỷ; Việc Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, nhà Nguyễn xây dựng Kinh thành Huế gắn với Sông Hương, Núi Ngự; việc dân xây dựng đình chùa, đền miếu và cất mồ mả, v.v... ít nhiều đã vận dụng phong thuỷ.
1.4.2. Ở các nước, đặc biệt là ở Trung Quốc, phong thuỷ đã được nghiên cứu sâu sắc và ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực từ hàng nghìn năm nay.
1.5. Việc hiểu và nắm vững cơ sở lý luận về phong thuỷ giúp chúng ta phân biệt được đúng và sai; tà và chính và có hành động đúng trong việc áp dụng thuật phong thủy.
II/ CƠ SỞ LÝ LUẬN
2.1. Khái niệm
2.1.1. Định nghĩa:
Phong thuỷ là sự kết hợp giữa nghệ thuật và khoa học, nhằm lựa chọn địa điểm xây dựng, bố trí sắp đặt cơ cấu quy hoạch xây dựng các điểm dân cư, các toà nhà phòng ốc và đồ đạc một cách có lợi nhất, để đạt được sự hài hoà với môi trường xung quanh, nhờ đó mà có được sự phát triển bền vững.
Tuy nhiên, phong thuỷ không phải là thần dược. Người Trung Quốc quan niệm ‘Nhất phúc, nhì mệnh, tam phong thuỷ".
Mặt khác, phong thuỷ cũng không phải là "pháp thuật", nó là sản phẩm của lịch sử và phục vụ cho cuộc sống con người.
2.1.2. Mục đích, tôn chỉ:
Tìm đất, sắp đặt nơi cư trú cho người sống (dương trạch); tìm đất để chôn người chết (âm trạch);
Tôn chỉ của phong thuỷ là: Tàng phong (giữ gió); đắc thuỷ (được nước) và tụ khí (hội tụ sinh khí). Tôn chỉ này chi phối mọi quan hệ và giải pháp thiết kế theo phong thuỷ (hình minh họa)
2.2. Các trường phái
2.2.1. Các trường phái cổ
Gill Hale trong tác phẩm “Nghệ thuật bài trí nhà cửa theo khoa học phương đông” đã chỉ ra ba trường phái có phương pháp tiếp cận khác nhau để giao tiếp với năng lượng hoặc cảm giác về một nơi chốn và thay đổi chi tiết để mang lại hiệu quả cho người sử dụng. Các trường phái gổm:
+ Trường phái môi sinh: sử dụng hiệu quà các điều kiện tự nhiên, trường phái này còn gọi là hình thể (phái loan đầu) hay địa hình.
+ Trường phái la bàn: Xem xét thiên văn, đoán vận mệnh trên cơ sở dùng la bàn để chọn địa điểm thích hợp xây dựng chỗ ở cho con người. Trường phái này dựa trên kinh dịch, nhằm liên kết các dòng chảy năng lượng tự nhiên của vũ trụ.
+ Trường phái trực giác: Mô phỏng và đặt tên cho các thế đất mang tính ẩn dụ như long chầu, hổ phục. Trong "Thuỷ Long kinh”, người xưa đã thể hiện chi tiết về những "cuộc đất tốt nhất để xựng dựng nhà và cất mồ mả”
2.2.2. Các nghiên cứu hiện đại
Giáo sư Du Khổng Kiên (Trung Quốc) trong tác phẩm "Phong thuỷ cảnh quan sông lý tưởng" đã chỉ rõ: "Sách địa lý bắt đầu có từ Hoàng Thạch (cuối Tần, đầu Hán) được kế tục sang đời Tấn và thịnh hành ở đời Đường.
Trước 1950, các sách phong thuỷ được thịnh hành ở Đại lục Trung Quốc, sau bị cấm đoán, nhưng lại thịnh hành ở Đài Loan, Hồng Kông và một số nước Đông Nam Á.
Tuy nhiên, nhiều GS Trung Quốc đã luôn chuyên tâm nghiên cứu phát triển thuyết phong thuỷ lên một tầm cao. GS Du Khổng Kiên nêu 3 đặc điểm tiến hoá của phong thuỷ. Trước hết là sự tìm kiếm mô hình vùng đất định cư như ý của người nguyên thuỷ; tiếp đó là tổng kết được kinh nghiệm của các mô hình phong thuỷ ở những vùng đất trũng trong văn hoá nông nghiệp và cuối cùng là suy xét theo quan điểm triết học đối với thuyết phong thuỷ và dò tìm những hàm ý sâu xa cua phong thuỷ;
Ở các nước phương tây, sự quan tâm nghiên cứu phong thuỷ bát đầu từ Yates (1868). Các giáo sĩ truyền đạo cơ đốc trong thời kỳ đầu đều cho rằng phong thuỷ là phép phù thuỷ (black art), mê tín và thuật lừa bịp. Chính phủ của nhiều nước cùng chống lại phong thuỷ, để đảm bảo tiến độ các công trình không bị các nhà phong thuỷ cản trở; vì vậy một số lượng lớn các sách phong thuỷ có giá trị đã bị đốt trụi.
Tuy nhiên, đến thế kỷ 20, thuyết phong thuỷ đã thu hút được nhiều học giả phương tây và địa vị của nó ngày càng cao. Năm 1973, Michell đã tuyên bố thời kỳ thay đổi quan niệm giá trị truyền thống của phương tây. Bernnett (1978) gọi phong thuỷ là một logic sinh thái học vũ trụ (Astro-ecology), ông cho rằng, phong thuỷ lấy quan hệ giữa người và đất, người và vũ trụ là nền tảng. Nhiều tác giả Skimer (1982), Su (1990), Rosspach (1903) đã tiếp tục phát triển thuyết phong thuỷ. Các học giả khác của phương tây đã coi phong thuỷ phát triển ngang với sinh thái và môi trường, từ đó hình thành tư tưởng thiết kế tôn trọng tự nhiên (Design with nature), được các nhà quy hoạch phương tây lấy làm tiêu chuẩn cao nhất. Đến nay, nhiều người phương tây đã cho rằng "Nếu đem mô hình phong thuỷ kết hợp với mô hình của phương tây thì có thể cho chúng ta một nhận thức toàn diện hơn về thế giới, đặc biệt hơn là thế giới cuộc sống của chúng ta".
2.3. Các nguyên lý của phong thuỷ
Các yếu tố chủ yếu của phong thuỷ là "gió" và "nước". Phong thuỷ là nghệ thuật kết hợp để ghép con người và định mệnh với môi trường xung quan (tự nhiên hoặc nhân tạo), có tính tổng quát hoặc cục bộ. Phong thuỷ là sự pha trộn giữa đạo giáo, phật giáo, lý thuyết âm dương về sự cân bằng và hợp nhất với tự nhiên. Do đó, nguyên lý của phong thuỷ được dựa trên 5 nhân tố: Đạo, Âm dương, Khí, Ngũ hành và Kinh dịch (bát quái).
2.3.1. Đạo: là quá trình và nguyên lý để liên kết con người với vũ trụ “vạn vật đồng nhất đạo", vì thế Đạo có tính bất biến. Nhờ đạo, con người có thể tìm kiếm được sự cân bằng và sự hài hoà với hoàn cảnh.
2.3.2. Âm và dương: là một cặp phạm trù, vừa đối nghịch vừa thống nhất nhau. Triết lý về các cặp phạm trù đã được các nhà triết học như Hegen, C.Mark v.v... lý giải. Trong thiết kế, phong thuỷ tìm kiếm sự cân bằng và sự hài hoà cho một ngôi nhà và đem lại cho người cư ngụ sức khoẻ và sự cân bằng cảm xúc.
2.3.3. Khí: là hơi thở hoặc năng lượng. Năng lượng được hiểu là “Long mạch", nuôi dưỡng khí dể làm giàu cuộc sống và khí của những người cư ngụ. Phong thuỷ ảnh hưởng đến khí của con người. Do đó, có thể dùng phong thuỷ để giúp gỡ rối được các "nút" ngăn chặn hạnh phúc, mục đích và niềm hy vọng của con người.
Điều tiết và lưu thông các dòng khí là mục đích tiềm ẩn của phong thuỷ. Các dòng chuyển động: giao thông, thông gió, ánh sáng, v.v... phải hài hoà thông suốt "Thông bất thống và thống bất thông" là nguyên tắc của y học và cũng là của phong thuỷ. Trong điều hành công việc, hoà khí tạo ra sức mạnh và động lực (hoà khí sinh tài).
2.3.4. Ngũ hành: Là sự hài hoà khí của con người với ngôi nhà: Khí gồm: Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ.
Ngũ hành kết hợp với màu sắc, thời gian, mùa màng, phương hướng, các tinh tú, lục phủ ngũ tạng v.v để điều chỉnh khí của con người.
Ngũ hành có 2 chu kỳ hình thành và chu kỳ hủy diệt (vòng sinh và vòng khắc)
2.3.5: Bát quái: Trong phong thuỷ. một không gian có 8 góc được gọi là bát quái, được dùng để chấn đoán các sự bất cân xứng trong môi trường và đời sống, từ đó cải thiện sức khỏe, hạnh phúc và thịnh vượng. Khi thiết kế phải xem xét những góc không bình thường của một ngôi nhà để có giải pháp xử ly thỏa đáng nhằm tạo ra sự cân bằng và hài hoà giữa chủ nhân và ngôi nhà.
3.1. Phạm vi áp dụng:
Các nguyên lý của phong thuỷ được áp dụng trong thiết kế mới, quy hoạch xây dựng hoặc cải tạo một vùng, đô thị, điểm dân cư nông thôn và thiết kế kiến trúc một công trình hoặc tổ hợp công trình được xây dựng trên một lô đất hoặc một thửa đất.
Nội dung áp dụng thuật phong thuỷ gồm:
+ Lựa chọn địa điểm xây dựng một khu dân cư, khu công nghiệp hoặc một công trình có quy mô đủ lớn, mà trong quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết chưa xác định.
+ Quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết tổng mặt bằng một khu dân cư, khu kinh tế, khu công nghiệp và các khu chức năng khác.
+ Thiết kế đô thị
+ Thiết kế mặt bằng tổng thể 01 lô đất xây dựng công trình
+ Nghệ thuật tạo hình trong thiết kế hình dáng công trình và trang trí các mặt chính của ngôi nhà
+ Thiết kế trang trí nội, ngoại thất.
+ Xử lý các "cản trở" trong quá trình khai thác và sử dụng ngôi nhà, mua bán kinh doanh bất động sản.
3.2. Một số áp dụng thuật phong thuỷ.
3.2.1. Lựa chọn địa điểm:
+ Phương pháp phân bố nông nghiệp, lựa chọn địa điểm một khu công nghiệp (hoặc nhà máy), khu dân cư, các trung tâm dịch vụ, v.v được trình bày kỹ trong lý thuyết kinh tế không gian (Weber, Lochs, W.Christaltier, V.Thuren,v.v…) và trong các nguyên lý quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị. Các phương pháp này đều dựa trên các yếu tố: Nội dung và quy mô đầu tư công trình, các điều kiện môi trường địa lý tự nhiên; mô hình lý tưởng, v.v… để tìm địa điểm tối ưu, nơi hội tụ được nhiều điều kiện thuận lợi nhất, với chi phí giá thành thấp, nhưng hiệu quả kinh tế cao trong quá trình khai thác sử dụng.
+ Thuyết phong thuỷ cũng dựa trên những yếu tố đó, nhưng mô hình phong thuỷ lý tưởng lại khác với các mô hình tổ chức không gian lý tưởng do các nhà quy hoạch nghiên cứu đề xuất; ví dụ: đối với một đô thị thường áp dụng các mô hình cơ cấu tĩnh, mô hình cơ cấu quá độ và mô hình cơ cấu mở (cơ cấu tuyến, song song,v.v…). Mô hình phong thuỷ lý tưởng là “Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ, tiền Chu Tước, hậu Huyền Vũ". Trạng thái lý tưởng của mô hình này là “Rùa rụt đầu, Phượng hoàng bay lượn, Rồng xanh uốn mình và Hổ trắng phủ phục (Hình vẽ)
Phương pháp tiếp cận như sau:
+ Xác định các dữ liệu về công trình và các yêu cầu về địa điểm
+ Tìm chọn các phương án địa điểm có khả năng đáp ứng
+ Đối chiếu với mô hình phong thủy lý tưởng, so sánh chọn phương án địa điểm tối ưu
3.2.2. Thiết kế quy hoạch tổng mặt bằng, phương pháp tiếp cận theo quan niệm phong thuỷ: Tuân thủ các nguyên tắc của mô hình phong thuỷ lý tưởng và áp dụng các tiêu chuẩn, quy phạm hoặc các chỉ định về cát hung trong việc bố trí các khu chức năng phù hợp với 5 nguyên lý phong thuỷ.
- Các nguyên tắc chủ yếu trong thiết kế quy hoạch tổng mặt bằng là:
+ Phân tích cảnh quan thiên nhiên, xác định bộ khung thiên nhiên và các yếu tố nhân tạo cần được tồn tại bảo vệ;
+ Khoanh định các vùng tốt có khả năng phát triển: vị trí, kích thước, hình dáng vùng tốt.
+ Chọn hướng và trục hoàng đạo. Ví dụ một khu dân cư, hướng tốt được xác định theo nguyên tắc tựa sơn, đạp thuỷ và trục hoàng đạo (đường mong muốn) gắn với chu trình tiến hoá hoặc lộ trình phát triển và khai thông được các luồng gió lành (Nam, Đông Nam).
- Xây dựng mô hình cấu trúc hợp với mô hình phong thuỷ lý tưởng trên cơ sở đó thiết kế các phương án bố cục tổng mặt bằng. So sánh lựa chọn phương án tối ưu theo quan niệm phong thuỷ. Người Trung Quốc thường lấy mô hình núi Côn Lôn, mô hình Bồng lai, mô hình Hồ thiên và mô hình Đào Uyên Minh làm ví dụ. Theo giáo sư Du Khổng Kiên , các mô hình trên đã đáp ứng được các nguyên tắc của mô hình phong thuỷ lý tưởng, đó là:
+ Bao bọc và che chắn;
+ Kề biển và nương Sơn;
+ Cách ly và thai tức (sinh sôi nảy nở);
+ Chỗ trống và hành lang (Minh đường được thông với thế giới bên ngoài), v.v...
3.2.3. Thiết kế kiến trúc công trình:
Theo phương pháp tiếp cận phong thuỷ, việc thiết kế kiến trúc công trình phù hợp với 5 nguyên lý của thuật phong thuỷ và được tiến hành theo trình tự sau:
a/ Vị trí và hình dáng lô đất:
Vị trí thuận lợi của chỗ ở tốt theo thuyết phong thuỷ là:
+ Có điều kiện tự nhiên tốt: Đất lành chim đậu. Lý thuyết kiến trúc cũng khẳng định 3 yếu tố chủ dạo của tự nhiên là: đất đai, phong cảnh và khí hậu. Khi quan trắc vị trí có thể nhận ra khí của đất thông qua cỏ và thực vật trong vườn nếu có mầu xanh, khí sẻ tốt lành và mạnh khoẻ. Bãi cỏ trong vườn đầy thảo mộc, cỏ hoa là dấu hiệu của khí xung mãn. Động vật hoang dã hoặc thú gia cầm khoẻ mạnh, thể hiện sự sung mãn của khí đất (chim cá, vượn hót).
+ Những người láng giềng nếu nổi tiếng, sung túc và thành đạt và thân thiện thì khí tốt.
+ Ngược lại cần phải xét xét các điềm báo khí xấu: đèn bị cháy khi bật, kẹt khoá, chim chết trên sàn nhà v.v...
+ Hình dáng lô đất: các mảnh đất có hình vuông hoặc hình chữ nhật là tốt nhất.
b/ Môi trường xung quanh:
Phân tích cảnh quan thiên nhiên: Núi và sông hồ và cảnh quan nhân tạo: Nhà cửa, đường xá, xe cộ, người đi lại nhộn nhịp. Ngoài ra, có thể khảo sát giá đất để xác định được sự tốt, xấu của vị trí lô dất.
c/ Chọn hướng và lối di
Hướng nhà: Hướng lãnh (theo trạch mệnh tương phối) và gắn bó tốt với môi trường xung quanh.
Lối đi: Mở cửa chính tạo ra sự quan hệ hợp lý giữa trong và ngoài theo nguyên tắc: sông cái đổ vào biển, sông con đổ vào sông cái, còn kênh, mương thì đổ vào sông con v.v...
Tránh các tác động xấu từ bên ngoài dội trực tiếp vào cổng: phía trước như: nhà tang lễ, vườn thú v.v..., đường cái đâm thẳng vào nhà như mũi tên. Góc, đao dình v.v... (ví dụ Dinh Độc lập, Thành Tây đô (Nhà Hồ)). Tháo dỡ các rào cản làm vướng víu lối đi.
d/ Bố trí sân, vườn cây cối
Cây cối bố tri trong sân vườn phải tạo ra sự che chắn cái xấu, tạo ra sự cân bằng miếng đât, cải thiện điều kiện tự nhiên và tạo ra vẻ đẹp cho ngôi nhà. Nguyên tắc bố trí theo tiêu chuẩn quy phạm và chỉ định về cát, hung được trình bày trong các sách về phong thuỷ ứng dụng.
Ao, hồ: kích thước, vị trí của ao hồ phải cân bằng với mảnh đất và phù hợp với mô hình phong thuỷ (tả thanh long).
e/ Định vị ngôi nhà
Ngôi nhà được đặt ở trọng tâm lô đất là tốt nhất, sao cho tạo ra sự cân bằng được khoảng phía trước và phần hậu ngôi nhà, đối với một thửa đất bố trí nhiều ngôi nhà, thì bố cục chiều cao cũng phải tạo ra được sự thăng bằng không gian.
g/ Thiết kế mặt bằng
Mặt bằng ngôi nhà được thiết kế theo nguyên lý kiến trúc, phù hợp với các nguyên lý phong thuỷ, đồng thời tôn trọng các chỉ định của phong thuỷ tạo ra môi trường sống tiện nghi nhất cho con người. Khi thiết kế mặt bằng ngôi nhà cần dựa vào các yếu tố sau:
+ Trạch mệnh tương phối: được xác định theo tuổi của chủ nhà và người cư trú
+ Bát quái
+ Các chỉ định cát, hung đối với từng căn phòng và bộ phận cấu thành. + Đối với nhà ở các phòng ngủ, các phòng vệ sinh, bếp, phòng thờ là các bộ phận nhạy cảm cần phải được phân tích kỹ trước khi bố trí tổng mặt bằng.
+ Áp dụng các phép hoá giải: Giáo sư Lin Yun đã đưa ra được 9 giải pháp hoá giải. Ông Tống Thiếu Quan cũng đưa ra nhiều phép hoá giải khác.
h/ Bố trí các đồ đạc và trang trí nội thất
Các đồ đạc trong phòng được bố trí theo nguyên tắc:
+ Tiện lợi sử dụng (giải pháp công năng theo thiết kế kiến trúc)
+ Mệnh trạch của chủ nhân
+ Bát quái
+ Các chỉ dịnh cát, hung của phong thuỷ và thước lỗ ban
Các giải pháp trang trí: ánh sáng, vật liệu, màu sác và các giải pháp hoá giải phù hợp khác.
i/ Tạo dáng ngôi nhà và trang trí mặt đứng được dựa vào các nguyên lý của nghệ thuột tạo hình và các nguyên lý của phong thuỷ.
3.2.4. Xử lý các rào càn, trắc trở trong quá trình sử dụng
+ Khi chủ nhân và gia định có trục trặc, khó khăn, cần phải bình tĩnh tìm hiểu các nguyên nhân. Nếu nguyên nhân do ngôi nhà gây ra thì phải chẩn đoán bệnh và hoá giải những gì xẩy ra trong ngôi nhà được phản ánh trong đời sống và cơ thể của người cư ngụ. Ví dụ: cánh cửa sổ bị vỡ thì mặt và tai người cư ngụ có thể có vấn đề...
+ Các giải pháp hoá giải các cản trở của người cư ngụ trong quá tình sử dụng thường có tính huyền bí. Các giải pháp thường dùng gồm: Tăng cường tam nghiệp (thân hoặc nguyện, ngôn và ý định); bát quái; theo vết cửu tinh; bát môn luận; trị nội (ban phép bên trong), trị ngoại, bánh xe luân hồi và lịch sử ngôi nhà.
Các giải pháp hoá giải trên là của Mật Tông hắc phái, có thể tham khảo áp dụng thử nghiệm như một khảo cứu về phong thuỷ trong thiết kế kiến trúc và thiết kế đô thị.
III/ KẾT LUẬN
1. Phong thuỷ là sự kết hợp giữa nghệ thuật và khoa học, đã được tồn tại và phát triển từ nhiều năm nay. Lợi ích của phong thuỷ đã được khẳng định trong quá trình áp dụng. Nhưng phong thuỷ không phải là thần dược và cũng không phải là một sự mê tín dị đoan. Chỉ có quan niệm và sử dụng đúng thuật phong thuỷ thì mới mang lại hiệu quả và lợi ích thiết thực.
2. Nguyên lý của phong thuỷ là đạo; âm và dương; khí; ngũ hành và bát quái.
Việc áp dụng các nguyên lý của phong thuỷ trong quy hoạch xây dựng và thiết kế kiến trúc không thể thay thế cho các khoa học thiết kế quy hoạch xây dựng và thiết kế kiến trúc, mà nó chỉ bổ sung và hoàn thiện hơn ngành thiết kế này, nhằm phục vụ tốt hơn cho đời sống dân cư.
PGS.TS.KTS Trần Trọng Hanh
Đại học Kiến trúc Hà Nội
Đăng nhận xét